spot_img

Tiểu sử nhà thơ Vi Thùy Linh

Vi Thùy Linh sinh ngày 4-4-1980 tại Hà Nội, là một nhà thơ nữ của Việt Nam. Tuy là thế hệ nhà thơ trẻ nhưng Vi Thùy Linh đã nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” trong nền thi ca Việt Nam đương đại. Vi Thùy Linh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được mời thực hiện một đêm thơ riêng tại Paris mang tên “Tình tự Hà Nội”, cũng là nhà thơ đầu tiên thực hiện tour diễn Pháp – châu Âu.

Vi Thuy Linh

Nhà thơ trẻ họ Vi sinh 4-4-1980 tại Hà Nội, bút danh ViLi, tốt nghiệp Phân viện Báo chí -Tuyên truyền, hiện hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

Vi Thùy Linh thuộc lớp những nhà thơ trẻ nhưng sớm nổi tiếng và trở thành một “hiện tượng” trong nền thi ca Việt Nam đương đại với nhiều tập thơ: Khát (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999); Linh (NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000); Đồng Tử (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005); ViLi in love (2008); Phim đôi-Tình tự chậm (2011)…

Mỗi tác phẩm của Vi Thùy Linh ra đời bao giờ cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng bởi sự săn đón của báo chí và những cuộc tranh luận (đôi khi trái chiều) của giới phê bình.

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn mệnh danh Vi Thùy Linh là “thi sĩ ái quyền”; còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi những sáng tác của nhà thơ trẻ này là “hiện tượng Vi Thùy Linh” trong khi tác giả Văn Giá gọi thơ Vi Thùy Linh là “những trận bạo động chữ”…

Không phải ngẫu nhiên mà những cây bút được giới phê bình nể trọng đều đã viết về những sáng tác của Vi Thùy Linh. Chắc chắn sức hút của tác phẩm không chỉ dừng lại do những tranh luận ồn ào của báo giới, hay mối quan tâm “đặc biệt” của giới học thuật, mà cái chính là những chân giá trị của tác phẩm.

Tất nhiên để cảm nhận được những thông tin được “mã hóa” trong thi phẩm của ViLi nữ sỹ cũng không phải dễ và không phải ai cũng có thể “giải mã” được.

Vi Thùy Linh trong những lần trả lời phỏng vấn các báo cũng từng bày tỏ đại ý: bạn đọc của cô là chọn lọc. Điều đó cũng có nghĩa sáng tác của cô không dành cho số đông mà dành cho những người có vốn kiến thức nhất định.

Điều này cũng lý giải vì sao, khi tác phẩm ra đời dù có nhiều luồng dư luận khác nhau Vi Thùy Linh vẫn hết sức điềm tĩnh, kiên trì con đường sáng tạo của mình.

Nền tảng học vấn vững vàng cộng với sự quảng giao đã cho phép nữ sỹ họ Vi nhìn sâu vào những vấn đề của đời sống, mang đến cho thơ mình một giọng điệu vừa riêng, vừa lạ.

Vi Thùy Linh đã viết về tình yêu rất nồng nàn: “Anh không thể nào mất em sau nhiều năm thất lạc/Hãy giấu em vào cơ thể của Anh!”.

Tình yêu với nữ sỹ họ Vi đôi khi là một khát khao cháy bỏng, một sự tận hiến, cô tình nguyện làm “nô lệ” cho tình lang của mình mà không cầu giải phóng: “Hình như tôi đã lớn lên cùng tình yêu dành cho Anh, từ khi bắt đầu là bào thai con gái trong bụng mẹ/ Tôi hôn Anh rưng rưng và biết mình đang trở thành nô lệ của tình yêu, một nô lệ không cần được giải phóng”.

Người tình trong trái tim cô đã cho mang đến cho nữ sỹ những giây phút hạnh phúc, với cô tình yêu không chỉ thiêng liêng mà hơn thế người tình được ví như một đấng sáng thế: “Không cần Chúa Trời, Anh sáng tạo em bằng sức mạnh phồn sinh / Em thấy mình thực sự là phụ nữ khi có Anh – điều tất yếu và linh thánh…Em quỳ xuống Anh gọi Bình minh sáng thế”.

Ngay cả những đổ vỡ trong thơ Linh cũng sắc lạnh, nhói buốt không kém: “Em không nhớ đã gặp anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay đã tắt/Để rồi đêm nay/Em cay đắng khi anh đẩy em bằng ánh mắt!” và “Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn, đốt lên thành lửa/Rồi đi/Sau lưng em ngày nắng tắt”.

Cách nữ sỹ mô tả ánh mắt của kẻ tình nhân bội phản “đẩy” người con gái kia bằng ánh mắt và hay nỗi buồn “đốt” lòng cô gái ấy rất đặc trưng trong giọng thơ Vi Thùy Linh.

Trước Vi Thùy Linh rất nhiều nữ sỹ đã viết về tình yêu như: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Dư Thị Hoàn… nhưng phải đến Vi Thùy Linh, ý thức về nữ quyền, ái quyền trong tình yêu mới được cảm nhận một cách đầy đầy đủ.

Rất nhiều người với một thái độ thận trọng thái quá đã vin vào một số sáng tác của Linh về tình yêu để gán cho cô những nhận xét kiểu như: thơ tình mang màu sắc nhục cảm. Thực ra đây chỉ là những quan điểm cá nhân, ít phổ biến, còn về bản chất thơ Vi Thùy Linh chỉ là những cố gắng biểu thị ý thức cá thể một cách mạnh mẽ nhất, mà tình yêu chính là một “kênh”, một thông điệp.

Không thể phủ nhận là ái quyền luôn là phần mang sức nặng trong toàn bộ thi phẩm của nữ sỹ nhưng khi nói về Vi Thùy Linh, thơ cô không chỉ giới hạn ở những vấn đề thuộc về đời tư mà hơn thế Vi Thùy Linh đã đứng từ góc nhìn bản thể cắt nghĩa đời sống, định giá những hiện tượng. Tất nhiên cách cắt nghĩa ấy, hiện tượng ấy cũng mang dấu ấn Vi Thùy Linh rất rõ.

Theo Linh: “Trái đấtốm yếu vì văn minh /Thếgiới thiếu chất thơnên loài người bi kịch”. Căn tính bản thiện, nữ sĩ họ Vi tỏ rõ sự dị ứng thói giả dối:“Bất cứ lúc nào, trên sân khấu cuộc đời/ Tôi vẫn là diễn viên tồi/ Bởi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác!” và: “Những cơn khát vỗvềdẫn đường chúng ta, định giá chúng ta giữa hiện thực nhá nhem, giá trịbịđánh tráo”.

Theo Linh chính con người tự làm khổ mình bởi những dục vọng “Dục vọng bời bời khiến người ta khốn khổ”…; chỉ có sự thành thật mới là cứu cánh nâng đỡ con người khỏi những bi kịch.

Cách quan niệm của Vili nữ sỹ dù diễn đạt khác chúng ta, dù được truyền tải dưới lớp vỏ ngôn ngữ gồ ghề, sắc cạnh khiến nhiều người băn khoăn nhưng xét đến cùng nó cũng hướng đến những quan niệm về giá trị nhân bản phổ quát.

Có lẽ hơn ai hết khi sáng tác, tác giả của nó cũng ý thức được việc tìm hình thức thể loại phù hợp để truyền tải ý tưởng đến độc giả. Thực tế Linh đã không lựa chọn những hình thức thể loại truyền thống mà dùng hình thức thơ tự do để truyền tải những ý tưởng của mình.

Thể thơ tự do với kiểu ngắt dòng ngắn dài không đều nhau chính là phương tiện đắc dụng hàm tải ý tưởng có phần mới lạ và mang hơi hướng triết học của thơ Vi Thùy Linh.

Trở lại với việc thơ Linh được mệnh danh là “hiện tượng Vi Thùy Linh” ngoài những giá trị tự thân trong còn phải kể đến những nỗ lực hết sức nghiêm túc của tác giả trong việc tìm tòi những hình thức thể nghiệm nghệ thuật mới đưa thơ đến với người đọc.

Trước Vi Thùy Linh đã có những nhà thơ làm việc ấy nhưng không mấy thành công. Vi Thùy Linh trái lại khiến mọi người phải ngỡ ngàng khi tổ chức trình diễn thơ: “Bay cùng Vili” tại Nhà Hát lớn, nơi vẫn thường mệnh được mệnh danh là “thánh đường văn hóa” nước Việt. Sự hiện diện của các tên tuổi như: GS Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc, NSND Hoàng Cúc, NSND Ngô Hoàng Quân, NSUT Phạm Cường, nhạc sỹ Phú Quang, Ngọc Đại; họa sỹ Lê Thiết Cương; nghệ sỹ múa Nguyệt Thu; diva Thanh Lam, ca sỹ Tấn Minh…đủ nói lên “thương hiệu” của người thơ Vi Li.

Bởi không phải ngẫu nhiên những “khán giả tinh hoa” ấy lại đến dự một đêm thơ của một nhà thơ trẻ như vậy. Vi Thùy Linh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được mời thực hiện một đêm thơ riêng tại Paris mang tên “Tình tự Hà Nội”. Cô cũng là nhà thơ đầu tiên thực hiện tour diễn Pháp – Châu Âu.

Như đã nói Vi Thùy Linh là một nhà thơ trẻ, những gì Linh đã làm còn cần phải có một khoảng lùi cần thiết để bạn đọc định giá. Tạm bỏ qua những những khen, chê trong việc Linh đã làm, chỉ riêng việc Vi Thùy Linh chọn theo đuổi nghề văn và chấp nhận cái giá của những thị phi trong nghề viết, chí ít cần dành một sự tôn trong đặc biệt đối với nữ sỹ vậy.

Các tập thơ của Vi Thùy Linh

  • Khát (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999)
  • Linh (Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2000)
  • Đồng Tử (Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005)
  • ViLi in love (2008)
  • Phim đôi-Tình tự chậm (2011), tập thở nổi tiếng “đắt nhất Việt Nam”
  • Chu du cùng Ông nội(2011)

spot_img

Must Read

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here